ADHD là chữ viết tắt của chứng tăng động giảm chú ý. Đây là một rối loạn của não, trong đó một số vùng não nhỏ hơn bình thường. Các vùng não này điều khiển khả năng nghỉ ngơi, sự chú ý và trí nhớ. Có thể bạn vẫn luôn tăng động giảm chú ý, nhưng chỉ mới bắt đầu nhận ra mình có các triệu chứng. Sự bồn chồn, thiếu tập trung và tăng động có thể gây khó khăn cho bạn ở nơi làm việc hoặc trong quan hệ tình cảm. Bạn hãy xác định liệu mình có bị ADHD ở người lớn không bằng cách lưu ý các triệu chứng và quan sát các phản ứng của bạn đối với cuộc sống hàng ngày.
1
Quan sát các triệu chứng chủ yếu của ADHD
- 1Xác định xem bạn có các biểu hiện thiếu chú ý của ADHD không. Có ba biểu hiện của ADHD. Để được chẩn đoán bệnh ADHD, bạn phải có ít nhất năm triệu chứng trong hơn một bối cảnh và ít nhất sáu tháng. Các triệu chứng có thể không thích hợp với mức độ phát triển của một người và được xem là gián đoạn chức năng bình thường trong công việc hay trong bối cảnh xã hội hoặc trường học. Các triệu chứng của ADHD (biểu hiện thiếu chú ý) bao gồm: [1]
- Phạm các lỗi sơ sót, không chú ý chi tiết
- Khó khăn trong việc tập trung (nhiệm vụ, trò chơi)
- Dường như không chú ý khi nghe người khác nói chuyện
- Không hoàn thành đến cùng (bổn phận, công việc)
- Khó khăn trong việc tổ chức sắp xếp
- Tránh né các nhiệm vụ đòi hỏi duy trì sự tập trung (như các dự án trong công việc)
- Không thể theo dõi hoặc thường đánh mất chìa khóa, kính, giấy tờ, dụng cụ, v.v...
- Dễ bị xao lãng
- Hay quên
- 2Xác định liệu bạn có những triệu chứng tăng động - bốc đồng của ADHD không. Một số triệu chứng có thể ở mức độ “gây rối” trong chẩn đoán. Kiểm tra nếu bạn có ít nhất năm triệu chứng trong hơn một bối cảnh, kéo dài ít nhất 6 tháng:[2]
- Bồn chồn, cựa quậy, tay hoặc chân gõ nhịp
- Cảm giác không yên
- Vất vả khi chơi những trò chơi tĩnh/ hoạt động tĩnh
- “Hiếu động” như thể “có mô-tơ điều khiển”
- Nói quá nhiều
- Buột miệng nói thậm chí trước cả khi được hỏi
- Vất vả khi phải chờ đến lượt
- Ngắt lời người khác, xen vào những cuộc bàn luận /trò chơi của người khác
- 3Xác định liệu bạn có biểu hiện ADHD kết hợp không. Biểu hiện thứ ba của ADHD là khi đối tượng có đủ tiêu chí của cả hai biểu hiện thiếu chú ý và tăng động/bốc đồng. Nếu bạn có ít nhất năm triệu chứng thuộc cả hai dạng này, có thể bạn có biểu hiện ADHD kết hợp.[3]
- 4Nhờ sự chẩn đoán của chuyên gia sức khỏe tâm thần. Khi đã xác định mức ADHD của mình, bạn hãy nhờ chuyên gia sức khỏe tâm thần hướng dẫn để được chẩn đoán chính thức. Chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng sẽ xác định xem liệu các triệu chứng của bạn có thể được giải thích đúng hơn bằng một chứng rối loạn tâm thần khác hoặc được quy cho một dạng rối loạn tâm thần khác không.
- 5Suy xét về các chẩn đoán khác mà bạn có thể nhận được. Tham khảo bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần về các chứng rối loạn hoặc các tình trạng khác có các triệu chứng tương tự như ADHD. Việc chẩn đoán ADHD đã khó, hơn nữa cứ năm người được chẩn đoán ADHD lại có một người được chẩn đoán thêm một dạng rối loạn nghiêm trọng khác (trầm cảm và rối loạn lưỡng cực là những chứng đi kèm thường gặp).
2
Theo dõi các phản ứng của bạn với cuộc sống hàng ngày
- 1Theo dõi các hoạt động và phản ứng của bạn trong hai tuần. Nếu nghi ngờ mình bị ADHD, bạn hãy chú ý tới cảm xúc và các phản ứng của bạn trong hai tuần. Ghi lại những hành động cũng như cách phản ứng và cảm nhận của bạn. Đặc biệt chú ý tới những hành vi bốc đồng và các cảm giác tăng động.
- Kiểm soát sự bốc đồng: ADHD có thể biểu hiện ở việc khó kiềm chế sự bốc đồng. Bạn có thể hành động mà không suy nghĩ kỹ, hoặc thiếu kiên nhẫn và cảm thấy khổ sở khi phải chờ đến lượt. Bạn có thể nhận thấy mình chiếm lĩnh phần lớn các cuộc trò chuyện hoặc các hoạt động, trả lời và nói trước khi người khác dứt lời, hoặc nói những điều mà sau đó thường phải hối tiếc.
- Tính tăng động: Khi bị ADHD, bạn có thể cảm thấy luôn bồn chồn, lúc nào cũng có nhu cầu động đậy, cựa quậy, và nói quá nhiều. Có thể bạn thường nghe mọi người bảo rằng bạn nói quá to. Bạn ít ngủ hơn nhiều so với phần đông mọi người hoặc khó dỗ giấc ngủ. Bạn cũng gặp khó khăn khi phải giữ yên hoặc ngồi lâu một chỗ.
- 2Quan sát cách phản ứng với môi trường của bạn. Một số người ADHD chìm ngập trong quá nhiều chi tiết từ sáng đến tối, nhưng đến cuối ngày họ không nhớ được các chi tiết hoặc sự kiện quan trọng. Có thể kể đến một số tình huống có thể khiến người ADHD quá tải như: một nơi đông đúc với âm nhạc và nhiều cuộc trò chuyện cùng lúc, sự pha trộn các mùi hương, từ mùi nước xịt phòng, mùi hoa tươi, mùi thức ăn cho đến nước hoa, và có lẽ cả các tác động ánh sáng như màn hình ti vi hoặc các hiển thị trên máy vi tính. [6]
- Kiểu môi trường như trên có thể khiến người ADHD gần như không có khả năng tham gia vào một cuộc đối thoại đơn giản, đừng nói gì đến sắc sảo trong công việc hoặc duyên dáng trong giao tiếp xã hội.
- Bạn có thể từ chối các lời mời đến những sự kiện như vậy vì cảm giác chúng gây ra cho bạn. Sự tách biệt với xã hội có thể dễ dẫn đến trầm cảm.
- Những người ADHD thường cảm thấy lo âu vì các tình huống không quen thuộc. Những cảm giác này có thể dẫn đến sự cô lập với xã hội.
- 3Theo dõi sức khỏe thể chất và tâm thần của bạn. Các triệu chứng của ADHD có thể làm nặng thêm một số vấn đề về sức khỏe như lo âu, trầm cảm và các vấn đề khác. Tính hay quên có thể khiến bạn bỏ lỡ các cuộc hẹn khám với bác sĩ, quên uống thuốc hoặc không chú ý đến các hướng dẫn của bác sĩ.[7]
- Xem xét lòng tự trọng của bạn. Một trong những vấn đề lớn nhất của những người ADHD là lòng tự trọng thấp. Sự thiếu tự tin có thể phát sinh từ việc những người khác có biểu hiện vượt trội hơn bạn ở trường hoặc ở nơi làm việc.[8]
- Quan sát các thói quen dùng rượu và chất kích thích. Khả năng rơi vào tình trạng lạm dụng chất của người bị ADHD là lớn hơn và họ cũng khó khăn hơn trong việc cai nghiện.[9] Ước tính có “một nửa số người ADHD tự chữa trị bằng chất kích thích và rượu.” [10] Bạn có gặp rắc rối với chất kích thích và rượu không?
- 4Kiểm tra bản sao kê của ngân hàng. Bạn có thể gặp khó khăn về tài chính nếu mắc chứng ADHD. Suy nghĩ xem bạn có thường thanh toán đúng hạn cho các hóa đơn không, hoặc có từng rút tiền quá hạn mức trong tài khoản không. Kiểm tra các giao dịch tài khoản để xác định thói quen chi tiêu của bạn.[11]
3
Xem xét các mối quan hệ
- 1Nhớ lại những trải nghiệm ở trường học. Có lẽ bạn không thành công trong việc học tập nếu mắc chứng ADHD. Nhiều người ADHD tỏ ra vất vả khi phải ngồi yên trong thời gian dài, quên đem theo sách vở, khó hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn hoặc giữ yên lặng trong lớp.[12]
- Một số người có thể thay đổi rõ rệt ở cấp trung học, khi học sinh không còn chỉ học với một giáo viên. Trách nhiệm riêng về việc thành công trong học tập của học sinh cũng tăng lên. Nhiều người ADHD có thể bắt đầu nhận thấy các triệu chứng trong khoảng thời gian này.[13]
- 2Quan sát biểu hiện của bạn trong công việc. Người lớn khi bị ADHD có thể biểu hiện kém trong công việc do các vấn đề về quản lý thời gian, xử lý các chi tiết của dự án, muộn giờ làm, không tập trung trong các cuộc họp, hoặc không hoàn thành công việc đúng thời hạn.[14] Bạn có thể nhớ lại nhận xét gần đây của người giám sát. Đã bao giờ bạn vượt qua thử thách thăng chức hoặc tăng lương chưa?
- Đếm lại xem bạn đã từng trải qua bao nhiêu công việc. Một số người lớn mắc chứng ADHD có một hồ sơ nghề nghiệp không ổn định, từng bị đuổi việc do biểu hiện kém. Vì tính bốc đồng, những người bị ADHD cũng có thể thay đổi công việc theo cảm hứng.[15] Xem lại hồ sơ nghề nghiệp của bạn để xác định những điều không ổn định. Lý do mà bạn thay đổi công việc là gì?
- Quan sát chỗ làm việc của bạn. Khu vực làm việc của bạn có thể thiếu tổ chức và bừa bộn.
- Một số người lớn mắc chứng ADHD lại có biểu hiện rất tốt trong công việc, đặc biệt là do xu hướng tập trung cao độ vào công việc.
- 3Suy nghĩ về quan hệ tình cảm của bạn. Những người ADHD thường gặp khó khăn trong quan hệ tình cảm khi người yêu của họ thường phàn nàn rằng họ “vô trách nhiệm”, “không đáng tin cậy” hoặc “thiếu nhạy cảm”. Mặc dù có thể có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến thành công hay thất bại trong tình cảm, nhưng một nguyên nhân góp phần có thể là các triệu chứng của ADHD.
- Có thể bạn từng gặp trắc trở trong chuyện tình cảm nhưng không mắc chứng ADHD.
- Tham khảo chuyên gia về mối quan hệ (ví dụ như chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia tư vấn hôn nhân) để tìm lời khuyên và có cái nhìn toàn diện trước khi dùng chuyện tình cảm trong quá khứ của bạn như một bằng chứng về ADHD.
- 4Nghĩ xem bạn có thường bị người khác la rầy không. Nếu bị ADHD, bạn có thể bị phàn nàn nhiều vì thường khó tập trung vào nhiệm vụ và dễ bị xao lãng.[16] Bạn đời của bạn có thể cứ phải nhắc đi nhắc lại về việc rửa bát chẳng hạn.
- Có thể bạn thường xuyên bị chê trách nhưng bạn không bị ADHD.
- Thử điều chỉnh hành vi của mình trước khi nghiêm túc cân nhắc xem bạn có bị ADHD không.
4
Nhờ chuyên gia chẩn đoán
- 1Hẹn gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần. Đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần có giấy phép hoặc bác sĩ chuyên điều trị ADHD để được chẩn đoán. Họ sẽ nói chuyện với bạn để có ý tưởng chi tiết về các trải nghiệm và khó khăn của bạn trong quá khứ và hiện tại.[17][18]
- Điều kiện tiếp cận các chuyên gia tâm lý có thể khác nhau tùy vào nơi bạn sinh sống. Ví dụ, ở một số nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, bạn có thể được chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu chờ vài tuần. Ở Mỹ, một số công ty bảo hiểm y tế chi trả một đợt trị liệu hành vi trong thời gian ngắn, nhưng đa phần đều đòi hỏi bạn phải tự chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ở một số quốc gia khác, bạn phải bỏ tiền túi để thanh toán toàn bộ chi phí.[19]
- Có thể kể đến một số chuyên gia trong lĩnh vực này là chuyên gia tâm lý trị liệu, bác sĩ điều trị (bác sĩ tâm thần, bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bác sĩ gia đình hoặc các bác sĩ khác) và nhân viên xã hội.[20]
- 2Thu thập các hồ sơ sức khỏe. Đem theo các hồ sơ sức khỏe khi đến bác sĩ, vì trong đó có thể biểu thị một số dấu hiệu tương tự như các triệu chứng của ADHD.[21]
- Khám sức khỏe trước khi đến chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng là việc có ích.
- Nói chuyện với cha mẹ hoặc người thân trong nhà về tiền sử sức khỏe gia đình cũng là ý tưởng tốt. ADHD có thể di truyền, do đó thông tin về các vấn đề sức khỏe gia đình của bạn cũng giúp ích cho bác sĩ khi chẩn đoán.
- Nếu đang dùng thuốc, bạn nên đem theo mẫu thuốc và đơn thuốc. Điều này sẽ giúp bác sĩ biết về lối sống, tiền sử bệnh và các nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện tại của bạn.
- 3Cố gắng đem theo hồ sơ công việc của bạn. Nhiều người ADHD gặp rắc rối trong công việc, bao gồm việc quản lý thời gian, sự tập trung và quản lý các dự án. Những khó khăn này thường phản ánh ở phần nhận xét biểu hiện trong công việc cũng như số lượng công việc mà bạn đã từng làm.
- Nếu có thể, bạn hãy đem theo các hồ sơ này khi đến bác sĩ.
- Nếu không đem theo được, bạn hãy cố gắng nhớ lại mình đã từng làm ở đâu và trong thời gian bao lâu.
- 4Cân nhắc thu thập các hồ sơ học bạ. Chứng ADHD có thể đã tác động đến bạn đã nhiều năm. Có thể bạn thường bị điểm kém hoặc thường gặp rắc rối ở trường. Nếu có thể tìm được bảng điểm hoặc học bạ khi còn đi học, bạn nên đem theo khi đến bác sĩ. Tìm học bạ càng về trước càng tốt, thậm chí từ hồi tiểu học.[22]
- 5Cân nhắc đưa người thân đi cùng. Có lẽ sẽ giúp ích cho chuyên gia trị liệu khi nói chuyện với một người khác về chứng ADHD của bạn. Có thể bạn sẽ khó mà kể rằng bạn liên tục bồn chồn hoặc gặp rắc rối trong việc tập trung.[23]
- Chỉ đi cùng người tin cậy. Hỏi xem liệu họ có muốn đi với bạn không trước khi mong đợi họ đi cùng.
- Chỉ đi cùng người thân nếu bạn cho rằng điều đó có ích. Nếu nghĩ rằng bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện riêng với chuyên gia trị liệu, vậy thì bạn đừng đem theo ai hết!
- 6Hỏi thăm về test kiểm tra chuyển động mắt. Các nghiên cứu gần đây cho thấy có mối liên quan trực tiếp giữa ADHD và việc thiếu khả năng ngừng chuyển động mắt.[24] Kiểu test này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng đã chứng tỏ sự chính xác cao trong việc chẩn đoán các trường hợp ADHD. Hỏi bác sĩ về trường hợp của bạn liên quan đến test này.
5
Tìm sự hỗ trợ
- 1Gặp chuyên gia trị liệu sức khỏe tâm thần. Liệu pháp tâm lý thường có lợi cho người lớn bị ADHD.[25] Cách điều trị này giúp người bệnh chấp nhận bản thân, đồng thời giúp họ tìm sự cải thiện tình hình.
- Liệu pháp nhận thức – hành vi dùng để điều trị ADHD cho thấy có hiệu quả trên nhiều bệnh nhân. Liệu pháp này xử trí một số vấn đề chủ yếu do ADHD gây ra như khó khăn trong việc quản lý thời gian và tổ chức.[26]
- Nếu người ADHD ngần ngại trong việc tìm sự trợ giúp chuyên môn, bạn có thể diễn giải việc này như những kỹ năng phát triển. Cũng như việc tham gia vào hoạt động học tập ngoại khóa, trường đạo, hoặc trường học, mục tiêu ở đây là học các kỹ năng, kỹ thuật và các ý tưởng đặc biệt.
- Bạn cũng có thể gợi ý cho các thành viên trong gia đình đến gặp chuyên gia trị liệu. Việc trị liệu có thể là biện pháp an toàn cho các thành viên trong gia đình giải tỏa căng thẳng một cách lành mạnh và xử lý các vấn đề với sự hướng dẫn của chuyên gia.
- Nếu một thành viên trong gia đình e ngại tìm sự giúp đỡ chuyên môn, bạn có thể diễn giải như là họ đang giúp bạn. Ví dụ, bạn có thể nói. “Mẹ ơi, con muốn mẹ đến gặp bác sĩ trị liệu của con vì việc này sẽ giúp con hiểu hơn về nhu cầu của gia đình mình”. Điều này thực sự có thể giúp bác sĩ trị liệu cung cấp cho bạn các biện pháp liên quan để vượt qua các tình huống.
- 2Tham gia nhóm hỗ trợ. Có rất nhiều tổ chức cung cấp sự hỗ trợ cá nhân, cũng như nhiều hệ thống thành viên có thể tập họp trên mạng hoặc gặp mặt để chia sẻ các vấn đề và giải pháp. Bạn có thể tìm kiếm nhóm hỗ trợ trên mạng trong khu vực bạn ở.
- Các nhóm hỗ trợ là nơi gặp gỡ đặc biệt thích hợp cho những người không cho rằng mình cần giúp đỡ, hoặc những người đã điều trị thành công bệnh ADHD. Họ sẽ đóng vai trò là người dẫn dắt và chỉ bảo những điều họ đã biết, trong khi vẫn tiếp tục học hỏi từ những người khác.
- Nhóm hỗ trợ mà bạn ưa thích nhất có lẽ là nhóm dành riêng cho người ADHD, hoặc cho nhiều người khác nhau với các mối quan tâm khác nhau. Cân nhắc tham gia vào một nhóm hoặc câu lạc bộ cùng sở thích nào đó có liên quan đến những điều bạn đam mê hoặc hứng thú. Ví dụ như câu lạc bộ khiêu vũ, câu lạc bộ sách, hội phụ nữ, lớp tập gym, nhóm bảo vệ động vật, hoặc đội bóng đá.
- 3Tìm các nguồn trên mạng. Có rất nhiều nguồn trên mạng cung cấp thông tin, ủng hộ và trợ giúp những người ADHD và gia đình của họ. Sau đây là một số nguồn:
- Attention Deficit Disorder Association (ADDA) cung cấp thông tin qua trang web của họ, qua các sự kiện trực tuyến và các thư thông báo. Tổ chức này cũng cung cấp hỗ trợ điện tử, hỗ trợ trực tuyến riêng từng cá nhân và các buổi tọa đàm dành cho bệnh nhân ADHD người lớn.
- Children and Adults with Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder(CHADD) thành lập năm 1987 và hiện có hơn 12.000 thành viên. Tổ chức này cung cấp thông tin, huấn luyện và hỗ trợ cho người ADHD và những người quan tâm đến họ.
- ADDitude Magazine là một nguồn online miễn phí cung cấp thông tin, các chiến lược và hỗ trợ cho người lớn ADHD, trẻ em ADHD và cha mẹ của người ADHD.
- ADHD & You cung cấp các nguồn cho người lớn ADHD, cha mẹ của trẻ em ADHD, các giáo viên và người chăm sóc phục vụ cho người ADHD. Trong đó có phần video trực tuyến cho các giáo viên và các hướng dẫn cho nhân viên trường học để làm việc với các học sinh ADHD có hiệu quả hơn.
- 4Nói chuyện với gia đình và bạn bè. Bạn có thể nhận thấy rằng sẽ có ích nếu bạn nói với gia đình và bạn thân về nỗi lo ngại mình bị ADHD. Họ là những người mà bạn có thể nhờ cậy khi rơi vào trầm cảm, lo âu hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực.
6
Tìm hiểu về ADHD
- 1Tìm hiểu về cấu trúc não của người bị ADHD. Việc hiểu được chứng ADHD tác động thế nào trong cơ thể sẽ giúp bạn biết cách sống như thế nào hoặc chọn các hoạt động nào. Việc biết bản chất khoa học đằng sau chứng rối loạn này có thể giúp một người phân tích và giải thích hành vi của họ.
- Các phân tích khoa học cho thấy não của người ADHD có khác biệt đôi chút ở hai cấu trúc. Hai nơi này có xu hướng nhỏ hơn bình thường.[27]
- Cấu trúc thứ nhất, hạch nền (basal ganglia), điều khiển sự vận động của các cơ, đồng thời báo hiệu cơ nào nên hoạt động, cơ nào nên nghỉ khi các hoạt động đang diễn ra.[28] Ví dụ, nếu một đứa trẻ ngồi một chỗ trong lớp, hạch nền lẽ ra sẽ gửi tín hiệu ra lệnh chân để yên. Nhưng trường hợp này do không nhận được tín hiệu nên đôi chân của trẻ vẫn tiếp tục cử động khi trẻ đang ngồi.[29]
- Cấu trúc thứ hai trong não của người ADHD nhỏ hơn bình thường là phần vỏ não trước trán (prefrontal cortex),[30] trung tâm phụ trách các nhiệm vụ bậc cao hơn.[31] Đây là nơi trí nhớ, năng lực học tập[32] và sự tập trung[33] kết hợp với nhau, giúp chúng ta thực hiện chức năng về trí tuệ.
- 2Tìm hiểu về cách dopamine và serotonin tác động lên người ADHD. Vùng vỏ não trước trán nhỏ hơn bình thường với dopamine và serotonin thấp hơn mức tối ưu cũng đồng nghĩa là não phải vất vả hơn để tập trung và dập tắt các kích thích không liên quan đang cùng lúc tràn ngập trong não.[34]
- Vùng vỏ não trước trán tác động lên chất dẫn truyền thần kinh dopamine.[35] Chất dopamine gắn liền với khả năng tập trung,[36] và thông thường những người ADHD có mức dopamine thấp.[37]
- Serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh khác tìm thấy trong vùng vỏ não trước trán,[38] tác động lên tâm trạng, giấc ngủ và sự thèm ăn.[39] Ví dụ, ăn chocolate sẽ khiến serotonin tăng vọt, đem lại cảm giác vui vẻ tạm thời; và mức serotonin hạ thấp dẫn đến buồn phiền và lo âu.[40]
- 3Tìm hiểu về các nguyên nhân tiềm ẩn của chứng ADHD. Nguyên nhân của chứng ADHD vẫn chưa được xác định chắc chắn, nhưng có một điều được công nhận rộng rãi là tính di truyền đóng một vai trò quan trọng, với những bất thường nào đó trong ADN xảy ra nhiều hơn ở những người ADHD. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa trẻ em ADHD với rượu và thuốc lá trước khi sinh, cũng như sự phơi nhiễm chì những năm đầu đời. [41]
- 4Cập nhật các nghiên cứu mới. Bộ môn thần kinh và khoa học hành vi hàng năm tiếp tục khám phá ra các sự thực mới về bộ não. Cân nhắc đặt mua báo và tạp chí thường kỳ có đăng các báo cáo về sự phát triển của não, những thiếu niên có các khác biệt về tâm lý, hoặc các nghiên cứu về bộ não. Cố gắng tìm các bài viết được thẩm định.
- Nếu không có điều kiện mua tạp chí thẩm định, bạn có thể thử tìm các nguồn thông tin đại chúng hoặc miễn phí. Các tạp chí khác bao gồm National Geographic, trang web của chính phủ và nih.gov. Đa số các cổng thông tin hiện nay đều có mục " Sức khỏe và Thể hình " (Health and Fitness) có thể cũng đăng các báo cáo về nghiên cứu bộ não.
- Nếu không biết tìm các thông tin cập nhật ở đâu, bạn có thể hỏi thủ thư ở thư viện, giáo viên ở trường trung học hoặc giáo sư ở trường đại học. Một cách khác, nếu có điện thoại thông minh, bạn hãy thử tìm ứng dụng hệ thống thầy thuốc từ xa, ứng dụng thông tin về ADHD hoặc ứng dụng các bài giảng y học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét